Tranh cãi kiểu kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo: Lỗi thời, chỉ dùng để xây nhà ở?

Gà Già Ẩn Danh

Hạ sĩ
Thành Viên Mới
13/7/21
286
0
16

Cầu Trần Hưng Đạo là cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã được Hà Nội xác định là hướng kết nối trọng điểm nhằm phát triển đô thị về phía Bắc sông Hồng. Tuy nhiên, hiện thiết kế của cây cầu đang gặp vấn đề và bị nhiều chuyên gia phản đối.

Cụ thể, cầu Trần Hưng Đạo dự tính sẽ vắt ngang qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Hai Bà Trưng. Tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km và được xây dựng theo hình thức BOT, với mức vốn đầu tư dự kiến gần 9.000 tỉ đồng.
Trong thời gian gần đây, dự án này lại khiến nhiều tranh cãi nổ ra bởi phong cách kiến trúc được quảng cáo là mang nét "Đông Dương".
Hình ảnh mô phỏng một phương án thiết kế của cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI


Hình ảnh mô phỏng một phương án thiết kế của cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI
Theo ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cầu Trần Hưng Đạo là dự án giao thông cần thiết, quan trọn và mang tính trọng điểm nên cần được xem xét cần trọng. Về hình thức kiến trúc, cần được xem xét và nghiên cứu bởi Hội đồng kiến trúc gồm các chuyên gia, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm là rất cần thiết. Đồng thời, nên lắng nghe ý kiến nhân dân và giới chuyên môn liên quan để đi đến giải pháp thấu đạt.
Hội phân tích thêm, hình thức của cầu Trần Hưng Đạo cần phải trở thành một biểu tượng của thời đại, phản ánh được tư tưởng của thời kỳ khai sinh ra nó, phải là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ hiện tại, hướng tới tương lai. Hội Kiến trúc tin rằng cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại. Chính vì vậy, rất không nên lặp lại phong cách kiến trúc “Đông Dương” như thuyết minh của tác giả đồ án.
Các chuyên gia về kiến trúc không đồng tình phương án thiết kế kiểu Đông Dương


Các chuyên gia về kiến trúc không đồng tình phương án thiết kế kiểu "Đông Dương"
Hơn nữa, một điểm khác mà Hội chỉ ra là phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn hỗn tạp với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ… Trong khi khai thác kiểu kiến trúc Pháp thì nên chú trọng tới tinh thần cốt lõi của kiến trúc đó trong kiến trúc cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sang trọng, thanh nhã.
Đồng quan điểm là TS.KTS Trần Quốc Bảo (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng Hà Nội) trả lời với báo Tiền Phong rằng kiến trúc kiểu Đông Dương không thể áp dụng với cây cầu. Theo ông, phong cách từ thế kỷ XX chỉ phù hợp để xây dựng nhà, chứ không phải các công trình giao thông như cầu đường.
Thậm chí người Pháp khai sinh ra phong cách Đông Dương khi xây dựng một số công trình như cầu Long Biên, Hàm Rồng và một số cây cầu ở miền Nam đều theo phong cách rất hiện đại lúc bấy giờ, không phải phong cách Đông Dương. Một vấn đề trong phong cách là tính thời điểm. Đã sang thế kỷ XXI thì theo KTS Bảo việc xây một ngôi nhà theo phong cách Đông Dương đã không nên, đừng nói đến cây cầu.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nên thực hiện thi tuyển kiến trúc, theo quy định của luật Kiến trúc (điều 17, khoản 2) trước khi quá muộn không thể sửa chữa. Nhiều địa phương cũng đã thực hiện thi tuyển kiến trúc công trình cầu như cầu Thủ Thiêm 2 ở Tp.HCM, cầu đi bộ qua sông Hương ở Huế…
Thành phố vẫn chưa "chốt"
Sáng ngày 23/9, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội trả lời báo chí rằng cơ quan đã đưa ra đánh giá về các phương án do Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) nghiên cứu.
Phương án được Hội đồng tuyển chọn ưng ý nhất


Phương án được Hội đồng tuyển chọn "ưng ý" nhất
Theo đó, cơ quan tuyển chọn nghiêng về phương án cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển. Phương án này mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là kết nối chuyển tiếp từ vẻ đẹp cổ kính của khu phố cũ Hà Nội sang bờ Bắc nơi có các công trình xây dựng mới hiện đại phía Bắc sông Hồng. Đồng thời, Sở Quy hoạch Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh theo ý kiến của các chuyên gia và thành viên Hội đồng tuyển chọn, như: Cân nhắc tên gọi của phương án "xứ Đông Dương", kiến trúc của các trụ; nghiên cứu tỷ lệ giữa trụ, tháp, cầu cho hài hòa hơn; nghiên cứu thêm kiến trúc tháp hai đầu cầu để trở thành biểu tượng mới, xứng tầm với không gian và ý nghĩa của trục cảnh quan sông Hồng...
Đồng thời, vị này cho biết thêm hiện nay UBND thành phố chưa có quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo thành phố về những ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi một số hội nghề nghiệp, các chuyên gia giao thông, quy hoạch, kiến trúc để đóng góp cho các phương án xây dựng hình hài cây cầu.
Him Lam - công ty kín tiếng đứng đằng sau dự án cầu Trần Hưng Đạo
Được biết, cây cầu nghìn tỷ đã được giao CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo nguồn tin từ Vietnamnet, Him Lam có 6.538 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Him Lam đạt 70.679 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, nợ phải trả cũng tăng xấp xỉ lên 64.142 tỷ đồng, gấp gần 10 lần vốn góp của chủ sở hữu.
Ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Him Lam


Ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Him Lam
Cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp cho thấy khoản phải trả người bán ngắn hạn là 1.349 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.879 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 151 tỷ đồng, phải trả người lao động hơn 13 tỷ đồng. Riêng vay và nợ thuê tài chính ở mức 2.416 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số 47.819 tỷ đồng tài sản ngắn hạn của Him Lam thì phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn (chiếm 47.281 tỷ đồng).
Dù sở hữu khối tài sản "tỷ USD" nhưng kết quả kinh doanh của Him Lam lại tương đối khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu thuần của Him Lam trong năm 2020 đạt 4.489 tỷ đồng thì giá vốn đã chiếm đến hơn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp theo đó còn 482 tỷ đồng.
Cái tên Him Lam là thương hiệu không xa lạ với công chúng trong nhiều năm trở lại đây. Nó vốn gắn liền đại gia Dương Công Minh và đó cũng là lý do xuất hiện tên gọi "Minh Him Lam" trên thương trường.
Vị doanh nhân người Bắc Ninh đóng vai trò sáng lập và từng là Chủ tịch Tập đoàn Him Lam trong hơn 11 năm từ 1997-2018. Ông cũng nổi tiếng Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giai đoạn 2008-2017.
Trước khi rời chức Chủ tịch của Him Lam để làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh từng gây xôn xao khi nói rằng: "Him Lam không phải công ty gia đình trị mà là độc trị, chỉ mình ông Dương Công Minh là người quyết định thôi". Theo đó, chỉ riêng ông Minh đã sở hữu 99% cổ phần Him Lam. Hiện tại, kinh doanh bất động sản vẫn là chiến lược xương sống của doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp hiện đang bắt tay xây dựng nhiều dự án bất động sản như Khu nhà ở Đồng Diều (Phường 4, Quận 8), Khu nhà ở 6A Him Lam (Bình Hưng, Bình Chánh) và đặc biệt là khu đô thị mới Him Lam Kênh Tẻ tại Phường Tân Hưng, Quận 7 với quy mô lên đến 58,3 ha… Ngoài ra, công ty này cũng được biết đến khi đứng đằng sau loạt khu đô thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Cần Thơ, Nghệ An,…
 

Đăng nhập

Hoặc Đăng nhập sử dụng