Đại học Hồng Đức: Thấy gì đằng sau số điểm chuẩn kỷ lục của ngành Sư phạm?

Gà Già Ẩn Danh

Hạ sĩ
Thành Viên Mới
13/7/21
286
0
16

Lần đầu tiên có một trường đào tạo giáo viên có điểm chuẩn trúng tuyển cao kỷ lục lên đến 30,5 điểm, do đó thí sinh thi đạt điểm tuyệt đối 30 điểm/3 môn vẫn không trúng tuyển.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2021. Điểm trúng tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT là tổng điểm 3 môn thi ở tất cả các tổ hợp (không nhân hệ số, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống).
Theo đó, năm nay nhà trường có mức điểm chuẩn cao kỷ lục, cao nhất trong tất cả các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn tính đến thời điểm sáng 16/9.
Cụ thể, ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao có điểm chuẩn lên đến 30,5. Đây là điều chưa từng có trước đây khi xét điểm 3 môn thi. Điểm chuẩn 30,5 dành cho thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Như vậy về lý thuyết, thí sinh không được cộng điểm ưu tiên, dù thi đạt điểm 10 tuyệt đối ở cả 3 môn xét tuyển (tổng điểm 30) vẫn không trúng tuyển.
Ngành sư phạm lịch sử chất lượng cao cũng có điểm chuẩn lên đến 29,75. Đây là mức điểm chuẩn chưa từng có ngành, trường sư phạm nào đạt được trước đây. Tiếp theo là ngành Đại học sư phạm Toán học chất lượng cao - 27,20; ngành Đại học sư phạm Vật lý - 25,50. Đây đều là những ngành lấy chỉ tiêu rất ít, tổng có 60 chỉ tiêu/4 ngành đào tạo sư phạm Toán học, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử chất lượng cao (mỗi ngành có 15 chỉ tiêu).
Đại học Hồng Đức: Thấy gì đằng sau số điểm chuẩn kỷ lục của ngành Sư phạm? - Ảnh 1

Đại học Hồng Đức: Thấy gì đằng sau số điểm chuẩn kỷ lục của ngành Sư phạm? - Ảnh 2

Đại học Hồng Đức: Thấy gì đằng sau số điểm chuẩn kỷ lục của ngành Sư phạm? - Ảnh 3

Điểm chuẩn Đại học Hồng Đức 2021


Điểm chuẩn Đại học Hồng Đức 2021
Đối với các ngành đào tạo giáo viên: Thí sinh trúng tuyển được thực hiện các chế độ theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Ngoài những ưu đãi như miễn học phí, có thêm chi phí sinh hoạt cho thí sinh trúng tuyển, tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” đào tạo và có cơ chế tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành chất lượng cao này. Điều đó đã lý giải cho sức hút của các ngành nói trên, khi có điểm chuẩn ở mức rất cao.
Cũng theo thông báo của Trường ĐH Hồng Đức, điểm trúng tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT là tổng điểm 3 môn thi ở tất cả các tổ hợp (không nhân hệ số, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống) và áp dụng cho thí sinh là học sinh phổ thông thuộc khu vực 3.
Mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 đối với thang điểm 10.
Đối với ngành đào tạo giáo viên chất lượng cao yêu cầu tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt từ 24 trở lên ở tất cả các tổ hợp (không có môn nào dưới 5 điểm) và môn chủ chốt của ngành đào tạo đạt từ 8 điểm trở lên; có học lực đạt loại Khá và hạnh kiểm đạt loại Tốt ở cả 3 năm học THPT.
Tổ hợp xét tuyển các ngành có môn thi năng khiếu phải đảm bảo điểm năng thi năng khiếu đạt từ 5 trở lên và: Năm 2021 có tổng điểm 2 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển + ưu tiên x 2/3 ≥ ngưỡng đảm bảo chất lượng (ĐH 12,67; CĐ 11,33. Riêng đối với Giáo dục thể chất 12).
Mức điểm trúng tuyển đối với thí sinh xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học tập THPT là tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển ở 3 học kỳ (kỳ 1, kỳ 2 lớp 11 và kỳ 1 lớp 12) không tính điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng.
Các ngành có tổ hợp môn năng khiếu, mức điểm nhận đăng ký xét tuyển là tổng điểm trung bình của 2 môn văn hóa thuộc tổ hợp xét tuyển và điểm thi năng khiếu đạt từ 5 trở lên.
Trong trường hợp có 2 hoặc nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, thứ tự ưu tiên:
Ưu tiên 1: Thí sinh có tổng điểm 3 môn thi (trừ 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục thể chất là tổng điểm 2 môn thi văn hóa) không bao gồm điểm khu vực, đối tượng (nếu có) cao hơn.
Ưu tiên 2: Thí sinh có điểm môn thi tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển cao hơn; các ngành còn lại, môn Ngữ văn (đối với các tổ hợp có môn Ngữ văn hoặc có cả Ngữ văn và Toán), môn Toán (đối với các tổ hợp khác).
Thí sinh đủ điều kiện trúng xác nhận nhập học từ ngày 16/9 đến trước 17h ngày 26/9/2021 bằng việc nộp trực tiếp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc chuyển phát qua bưu điện về Phòng Quản lý đào tạo -Trường ĐH Hồng Đức, số 565 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa, điện thoại: 02373.910.619; 0912.483.189; 0949.102.698; 0918.068.689; 0913.483.123;
Thời gian nhập học từ ngày 17/9/2021 đến hết ngày 02/10/2021 tại hội trường lớn của Trường ĐH Hồng Đức.
Vì sao điểm chuẩn ngành SP của trường ĐH Hồng Đức tăng cao?
Theo đại diện Trường Đại học Hồng Đức, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chắc chắn đã có tác động tích cực tới gia đình và thí sinh trong việc quyết định nguyện vọng. Theo Nghị định này, ngoài được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí, cao hơn cả mức lương khởi điểm của một công chức nhà nước.Ngoài ra, theo ghi nhận của Phóng viên, nhiều năm qua Trường Đại học Hồng Đức đã không ngừng nâng cao chất lượng trong dạy và học, đặc biệt ngành SP nhận được sự quan tâm vô cùng lớn. Từ năm 2020, trường ĐH Hồng Đức đã tuyển sinh đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ĐH đối với 3 ngành như: SP Toán học, SP Vật lý và SP Ngữ văn. Mỗi ngành đào tạo tuyển sinh 10 chỉ tiêu. Điều kiện đăng ký xét tuyển đối với các ngành đào tạo chất lượng cao là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Cụ thể, tổng điểm 3 bài thi/môn thi, kỳ thi THPT quốc gia thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24,0 trở lên (không có môn dưới 5,0 điểm) và môn chủ chốt của ngành đào tạo đạt từ 8,0 điểm trở lên. Bên cạnh đó, thí sinh xếp loại hạnh kiểm 3 năm ở THPT đạt loại tốt; xếp loại học lực 3 năm ở THPT đạt loại khá trở lên. Đồng thời, điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi của từng tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành SP tại Trường ĐH Hồng Đức. Đối tượng và chỉ tiêu tuyển dụng là ứng viên phải đảm bảo các điều kiện: Tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ đề án nêu trên; có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài. Chỉ tiêu tuyển dụng đối với 4 ngành đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH là 20 chỉ tiêu/ngành/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030.
Như vậy, đã có thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành SP của Trường ĐH Hồng Đức khi ra trường. Sự đảm bảo chắc chắn này sẽ giúp các em sinh viên có thêm phần động lực phấn đấu, an tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng của bản thân.
Nguyên nhân cuối và cũng là tín hiệu tốt từ ngành giáo dục Thanh Hóa đó là chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được nâng lên. Điều này được thể hiện qua phổ điểm, kết quả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được đánh giá cao hơn các năm trước.
Tín hiệu mừng của ngành Sư phạm!
“Được trở thành cô giáo chính là ước mơ của em nhưng bị bố mẹ phản đối vì cho rằng học SP thì khó xin việc, phải có quen biết thì mới có... Nhưng rồi, vài năm trở lại đây, ngành SP đã nhận được nhiều quan tâm của Chính phủ, Chính quyền các cấp, ngành Giáo dục, bằng những chính sách thiết thực, ý nghĩa; đầu ra cũng sinh viên cũng được đảm bảo hơn, chúng em đã không còn phải trăn trở nhiều về một tương lai bấp bênh khi chọn nghề giáo nữa” – Tống Thùy Linh, cô tân sinh viên của Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Hồng Đức, phấn khởi cho biết.
Niềm vui của Linh cũng chính là cảm xúc chung của đa số các bạn sinh viên chọn ngành SP ở thời điểm hiện tại. Đã không còn những trăn trở xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, kiểu: “Điểm chuẩn thấp vẫn kém thu hút”, “Trăn trở nghề Sư phạm”, “4 nỗi lo của nghề giáo”, “Cử nhân Sư phạm về đâu?”,… Thay vào đó, là thứ cảm xúc đầy lạc quan và hi vọng: “Nhóm ngành Sư phạm hút sinh viên”, “Điểm trúng tuyển một số ngành Sư phạm tăng đột biến”,…
Có thể thấy, ngành SP bắt đầu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Niềm vui này không chỉ của riêng trường ĐH Hồng Đức mà là niềm vui chung của nền giáo dục khi điểm sàn ngành SP mấy năm trở lại đây đều tăng, cho thấy chất lượng đầu vào vô cùng tiềm năng.
Một số chuyên gia cho rằng, học sinh (HS) giỏi chọn nghề giáo là tín hiệu tốt cho giáo dục vì trong suy nghĩ của đa số người dân Việt Nam, nghề giáo được nhiều người tôn trọng. Có thể người thầy chưa hẳn cho HS kiến thức cao siêu, nhưng cũng để lại cho HS những hình ảnh về nhân cách, sự tận tụy, trách nhiệm; còn với các nhà SP, mong muốn có được những thế hệ SV vừa có tâm, đức, tài để phục vụ sự nghiệp giáo dục sau này là lý do chính đáng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT GS Phạm Minh Hạc cho biết: Với số điểm chuẩn đầu vào cao như vậy, ngành SP có quyền hi vọng sẽ tạo ra được những thầy cô giỏi, có triển vọng. Có thể điểm thi không phản ánh được thực lực của con người, tuy nhiên, nếu kết quả đó là thực chất thì sẽ phản ánh đúng triển vọng của từng em, và của cả ngành SP trong tương lai.
Vẫn biết, hiện tại chưa phải là lúc để chúng ta vui mừng và ngợi ca “bước chuyển mình” của ngành SP. Nhưng tôi tin, với những chính sách hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa cùng những quy định chặt chẽ hơn về chất lượng đầu vào cũng như đầu ra, ngành SP hạn chế việc đào tạo tràn lan, đào tạo vượt nhu cầu sử dụng, khắc phục được tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ tại các địa phương; sẽ tạo cú hích đối với đào tạo SP trong thời gian tới.
 

Đăng nhập

Hoặc Đăng nhập sử dụng